Tư vấn về điều hòa
Cách ly kỹ vẫn bị sốt xuất huyết
Từ khi mua được căn nhà mới tại Phùng Khoang, Từ Liêm, Hà Nội, gia đình chị Đàm Thị Lan cảm thấy cao cổng kín tường chưa đủ, chị còn phải sắm thêm một loạt mành rèm theo kiểu trướng rủ màn che. Chị Lan lấy làm tự hào vì trong nhà mình không một con côn trùng nào có thể xâm nhập.
Điều hòa, quạt điện chạy suốt ngày nên những chiếc màn chị cho vào xó tủ từ lâu. Chị Lan cảm thấy an tâm khi ngủ, mắc màn vừa tốn công mà cảm giác bí bách. Muỗi có vào nhà chị cũng bay đến cửa rồi phải quay ra.
Không như gia đình chị Lan, chị Nguyễn Thị Minh – phố Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội chỉ có một căn phòng nhỏ với công trình phụ khép kín. Chị Minh cho rằng mình đã khép kín thì phải khép kín hoàn toàn.
Để cách ly mọi dịch bệnh từ bên ngoài có thể xâm nhập vào nhà chị sắm thêm chiếc điều hòa. Mỗi khi đi làm về mở cửa ra chui vào nhà rồi lại “nhốt” mình và con cái trong nhà để không bị các dịch bệnh lại gần. Trời nóng, trời lạnh đã có điều hòa.
Những tưởng kín như thể có thể cách ly được với tất cả các dịch bệnh từ bên ngoài, khi có điều hòa thì muỗi cũng không còn… đến khi trong nhà có người bị sốt xuất huyết chị vẫn không biết làm sao dịch tràn vào nhà được.
Năm ngoái nhà chị Minh cả 3 mẹ con đều bị sốt xuất huyết, nhà chị nằm trong khu có dịch lúc nào chị cũng không biết. Khi bị ốm và có người đến phun muỗi phòng dịch chị mới hay mình đang trên ổ dịch.
Gửi con ở trường mầm non của phường chị Lưu Thị Huyền (Tân Mai, Hà Nội) cảm thấy không yên tâm vì nắng nóng mà không có điều hòa. Chị đưa con gái hơn 3 tuổi vào một trường tư thục, tuy chật hẹp nhưng lúc nào cũng cửa đóng then cài, không khí bên trong thì mát mẻ vì có điều hòa. Đến khi con bị sốt xuất huyết chị cũng không biết vì sao dính bệnh vì chị đã cố gắng cách ly.
Môi trường điều hòa dễ mắc bệnh nhất
Những rãnh nước thường là nơi lý tưởng cho muỗi sinh sống
Theo thông tin từ Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội, bệnh viện đã tiếp nhận một vài trường hợp bị sốt xuất huyết. So với năm trước thì ở thời điểm năm nay là đến sớm hơn vẫn chưa có bệnh nhân bị sốt xuất huyết vào viện. Nếu không tuyên truyền phòng chống dịch có thể năm nay bệnh nhân bị sốt xuất huyết sẽ gia tăng.
Thạc sĩ, bác sĩ Chu Thị Dự (Phó giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn) cho biết đáng lo ngại là nhiều bệnh nhân vào viện vẫn không biết vì sao mình bị lây bệnh. Thực tế có nhiều gia đình đóng kín cửa không cho không khí vào nhà là rất nguy hiểm.
Theo thống kê năm 2009 dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng đột biến (đến tháng 9/2009 tăng 12 lần) và đến tháng 10 dịch bệnh mới giảm xuống.
PGS – TS Lê Anh Tuấn – Giám đốc Sở Y tế Hà Nội lo ngại với quan niệm của nhiều người dân khi có điều hòa hay quạt điện không cần phải mắc màn khi đi ngủ. Cách nghĩ như vậy là sai hoàn toàn và Sở luôn khuyến cáo người dân phải mắc màn khi ngủ kể cả khi có điều hòa.
Thực chất trong môi trường điều hoà với nhiệt độ ổn định là môi trường lý tưởng cho các mầm bệnh, côn trùng phát triển trong đó muỗi vằn cũng không ngoại lệ. Thời tiết mưa ẩm như hiện nay là môi trường thuận lợi cho muỗi phát triển.
Bệnh nhân điều trị SXH trong bệnh viện Saint Paul năm 2009
Theo ông Tuấn, tuyên truyền ý thức của người dân phòng chống dịch bệnh hết sức quan trọng. Hiện tại Sở Y tế đã phối hợp với phối hợp với UBND quận Đống Đa tổ chức lễ phát động vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, phế liệu để diệt bọ gậy phòng chống dịch sốt xuất huyết.
Nguyên nhân gây sốt xuất huyết là từ muỗi, muỗi Aedes đẻ trứng, sau đó sinh ra bọ gậy (cung quăng) ở các dụng cụ chứa nước trong gia đình như chum, vại, bể nước, lọ hoa, chậu cảnh… hoặc ở ngoài nhà như hốc cây có nước, máng nước, vỏ đồ hộp, vỏ chai… hoặc ở rãnh nước, ao hồ.
Chu kỳ phát triển từ trứng đến muỗi trưởng thành khoảng 11-18 ngày, khi nhiệt độ 29-31 độ C. Mật độ muỗi thường tăng vào mùa mưa, do đó, muốn phòng bệnh tốt cần phải loại bỏ được những dụng cụ chứa nước nơi muỗi đẻ trứng, hoặc thả cá ăn bọ gậy. Trong một gia đình, chỉ một số ít muỗi cái Aedes là có thể làm cả gia đình mắc bệnh.